Nissan phát triển xe điện tự sạc tại Đông Nam Á, đầy hứa hẹn cho Việt Nam
23/08/2022
Hãng xe Nhật Bản tập trung cung cấp các dòng ô tô điện tự sạc thông qua công nghệ e-Power cho các thị trường thiếu trạm sạc nhưng đang có nhu cầu sở hữu xe điện cao.
Thị trường Đông Nam Á đang có những sự chuyển dịch về nhu cầu sử dụng xe. Các nước đều có chính sách hỗ trợ cho các dòng ô tô điện. Tiêu biểu tại Việt Nam, xe sử dụng động cơ điện (chạy điện toàn phần) được hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ từ 1/3/2022.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đối với xe điện là hệ thống trạm sạc chưa phổ biến. Để giải quyết bài toán này, mỗi hãng sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, Nissan định hướng tìm đến thị trường bằng những mẫu xe chạy điện tự sạc.
Xe điện tự sạc là gì, có công nghệ nào nổi bật?
Khi trạm sạc hiện vẫn còn là "nút thắt" với ô tô thuần điện, giải pháp sử dụng động cơ xăng-điện lai sẽ trở thành bước chuyển quan trọng tại các quốc gia muốn phát triển phương tiện "xanh" nhưng hạ tầng còn hạn chế. Nissan cũng không phải là ngoại lệ và hãng đã giới thiệu công nghệ e-Power.
Công nghệ e-Power là hệ thống truyền động hoàn toàn bằng động cơ điện, các bánh xe được dẫn động 100% thông qua mô-tơ điện công suất cao. Tuy nhiên, thay vì sạc lại pin bằng cách cắm điện. Pin của e-Power sẽ được sạc trực tiếp bằng động cơ đốt trong trên xe.
Để dễ hình dung, Nissan e-Power có phần vận hành giống hệt với các mẫu ô tô thuần điện. Khác biệt là xe không cần cắm sạc, thay vào đó người dùng tiếp nhiên liệu để động cơ đốt trong hoạt động như một máy phát điện để sạc pin.
Như vậy, công nghệ e-Power các thành phần tương tự với công nghệ Hybrid khi đều có cả pin, mô-tơ điện và động cơ đốt trong. Tuy nhiên, e-Power đem lại sự vận hành giống hệt xe điện bởi truyền động hoàn toàn bằng mô-tơ điện công suất cao. Trong khi đó, các xe Hybird thông thường thì mô-tơ điện có công suất nhỏ hơn, pin có dung lượng thấp hơn thường chỉ đóng vai trò bổ trợ và phần lớn thời gian xe vẫn được dẫn động bằng động cơ đốt trong.
Đi sâu hơn nữa, pin dùng trên xe Hybird thường là loại NiMH, công nghệ truyền thống nhất trong chế tạo pin. Loại pin này có tuổi thọ dài, sạc nhanh, an toàn cháy nổ, chịu được dải nhiệt độ rộng và chi phí thấp hơn các công nghệ pin khác. Ngược lại, pin NiMH có hạn chế khi trọng lượng nặng, dung lượng không cao, độ tự xả tăng dần theo thời gian. Vì vậy, tuổi thọ và chi phí của pin hybrid là vấn đề khiến người dùng cảm thấy lo lắng.
Còn với động cơ e-Power sẽ dùng pin Lithium-Ion, cho phép giảm tối đa trọng lượng và kích thước của viên pin trong khi vẫn dự trữ được một lượng điện lớn. Loại pin này cũng sạc nhanh, an toàn, hiệu suất cao, dễ sử dụng và thân thiện với môi trường. Đương nhiên, pin sẽ chiếm tỉ trọng không nhỏ trong chi phí của xe e-Power.
Tại Việt Nam, xe xăng-điện lai nói chung được xem là lựa chọn phù hợp để chuyển dịch sang phương tiện "xanh", trong bối cảnh hạ tầng giao thông và số lượng trạm sạc điện còn ít. Đặc biệt, công nghệ e-Power tỏ ra nổi trội hơn khi sở hữu những điểm mạnh của ô tô thuần điện, đồng thời khắc phục được hạn chế của chính loại xe mới này.
Đây cũng là lý do Nissan lựa chọn công nghệ e-Power trong chiến lược phát triển tại Việt Nam, bằng việc sẽ mắt mẫu Kicks sử động cơ này trong thời gian tới. Đại diện hãng xe Nhật Bản cho biết định hướng này góp phần vào việc giảm phát thải và giải quyết thực trạng cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, số lượng trạm sạc công cộng cho xe điện còn thiếu tại Việt Nam.
e-POWER - Công nghệ xanh cho khu vực Đông Nam Á
Được triển khai từ sớm tại Nhật Bản và một số nước nhưng tới tháng 7/2022, Nissan mới đẩy mạnh phát triển công nghệ e-power tại Đông Nam Á. Hãng lựa chọn nhà máy ở Thái Lan là nơi lắp ráp pin e-Power đầu tiên ngoài Nhật Bản, đồng thời xác định đây sẽ là trung tâm sản xuất của Nissan tại Đông Nam Á.
Việc xây dựng nhà máy lắp ráp pin e-Power cũng thể hiện rõ tầm nhìn của thương hiệu Nhật Bản là nhằm vào công nghệ xe điện tự sạc tại khu vực này, nơi tập trung các nước đang phát triển với tốc độ thay đổi nhanh chóng.
"Từ những thành công trong việc lắp ráp nội địa tại Nhật Bản và xuất khẩu Nissan Kicks e-Power đến nhiều thị trường, chúng tôi tiến tới mục tiêu lắp ráp pin công nghệ này tại Thái Lan" ông Isao Sekiguchi, Phó TGĐ Tập đoàn Nissan Nhật bản (NML), Tổng GĐ của Nissan Châu Á Thái bình Dương (NMAP), chia sẻ.
Dây chuyền sản xuất và lắp ráp pin e-Power được xây dựng với hệ thống quản lý chất lượng nghiêm ngặt và tiên tiến. Bao gồm quy trình liên hoàn 100% với độ chính xác cao, giúp kiểm tra từng bước của quá trình lắp ráp nhằm loại bỏ mọi sai số. Dây chuyền cũng có hệ thống kiểm soát sản xuất theo thời gian thực và 100% dữ liệu lắp ráp sẽ được ghi lại và lưu trữ để theo dõi.
Việc lắp ráp pin tại Thái Lan cũng sẽ giúp cho việc đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong khu vực. Ngoài ra, bước đi này cũng sẽ tạo ra một mức giá dễ tiếp cận hơn cho công nghệ e-Power, thay vì chỉ được sản xuất tại Nhật Bản như trước đây.
Kể từ 1988, nhà máy tại Nissan Thái Lan đã sản xuất một số hệ thống truyền động, bao gồm động cơ xăng tăng áp 1.0L cho Nissan Almera (đang được phân phối tại Việt Nam), động cơ 1.2L cho Kicks e-Power hay động cơ diesel tăng áp kép 2.3L cho Navara và Terra…
Hiện tại, theo công nghệ sản xuất xe điện mới nhất, nhà máy Nissan Thái Lan sẽ lắp ráp pin e-Power. Riêng dây chuyền sản xuất hệ thống truyền động tại nhà máy này có tổng năng lực sản xuất lên đến 580.000 đơn vị pin mỗi năm.
Định hướng điện hóa toàn cầu của Nissan
Nissan là công ty đi đầu trong lĩnh vực điện khí hóa. Mẫu Nissan Leaf, lần đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 2011, đã đánh bại Model S trên "sân nhà" của Tesla. Thực tế, Leaf là mẫu xe điện bán chạy nhất ở Mỹ và toàn cầu trong vài năm, cho đến đầu 2020 khi thị trường có sự cạnh tranh của Tesla Model Y.
Nissan thể hiện tầm nhìn dài hạn mới trong việc nâng cao năng lực di chuyển và hơn thế nữa, thông qua kế hoạch "Nissan Ambition 2030". Hãng đặt mục tiêu trở thành công ty thực sự bền vững, hướng tới một thế giới sạch hơn, an toàn hơn và hòa nhập hơn.
Tầm nhìn này được hiện thực hóa bằng các chiến lược cụ thể. Trong 5 năm tới, Nissan đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình điện khí hóa các dòng xe và tăng tốc đổi mới công nghệ thông qua khoản đầu tư 2 nghìn tỷ Yên (khoảng 15 triệu USD).
Dựa trên nhu cầu của khách hàng, Nissan sẽ giới thiệu 23 mẫu xe điện mới, bao gồm 15 mẫu EV mới vào năm tài chính 2030. Nỗ lực này sẽ giúp hãng đạt được tỷ lệ điện khí hóa hơn 50% trên toàn cầu trong tổng số các mẫu xe mang thương hiệu Nissan và Infiniti. Việc giới thiệu 20 mẫu xe EV và e-Power cũng hứa hẹn tạo ra bùng nổ doanh số xe điện của Nissan trong tương lai.
Song song với xe mới, Nissan còn hướng tới việc tung ra xe điện sử dụng pin thể rắn toàn phần (ASSB) độc quyền của mình vào năm tài chính 2028 và sẵn sàng thí điểm tại nhà máy ở Yokohama (Nhật Bản) sớm nhất vào năm 2024. Công nghệ ASSB sẽ giúp xe điện của Nissan đi được xa hơn, sạc nhanh hơn, trong khi giảm giá thành sản xuất.
"Chúng tôi tự hào về thành tích đổi mới lâu dài và vai trò của Nissan trong cuộc cách mạng xe điện. Với tham vọng mới của mình, chúng tôi tiếp tục dẫn đầu trong việc đẩy nhanh sự chuyển dịch sang xe điện, bằng cách thu hút khách hàng thông qua các sản phẩm đem lại cảm giác lái phấn khích, có khả năng thích ứng và tạo ra một thế giới sạch hơn", Giám đốc điều hành Nissan Ashwani Gupta cho biết.
Nguồn: Dantri.com.vn